Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Làm rõ hơn những quy định và nội dung mới

VHO- Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)do Bộ VHTTDL xây dựng nhằm bám sát và quy định chi tiết các nội dung trong Luật, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả và đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Làm rõ hơn những quy định và nội dung mới - Anh 1

 Nhiều bức ảnh và chia sẻ của người bị BLGĐ đã làm người xem rơi nước mắt tại Triển lãm ảnh triển lãm “Giấc mơ gia đình” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức

Dự thảo quy định về điều kiện với cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp; điều kiện với cơ sở cung cấp dịch vụ tạm lánh, dịch vụ cung cấp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi; kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở không thu phí dịch vụ…

Giải thích nhiều khái niệm và nội dung mới

Rất nhiều khái niệm và nội dung mới đã được đưa cụ thể vào dự thảo Nghị định. Chương I quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ; áp dụng tương tự với trường hợp người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi trong phòng, chống bạo lực gia đình; áp dụng giải pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình là người nước ngoài.

Chương II quy định về tổng đài điện thoại quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; nguyên tắc bảo mật thông tin; tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin; đánh giá về tình trạng ban đầu khi tiếp nhận thông tin vụ việc bạo lực gia đình.

Chương III quy định về nguyên tắc khi thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc; hình thức đề nghị thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; giấy đề nghị; trình tự thực hiện quyết định cấm tiếp xúc theo đề nghị; thực hiện cấm tiếp xúc theo đề nghị của người bị bạo lực gia đình; cấm tiếp xúc theo đề nghị của người giám hộ; cấm tiếp xúc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; nội dung quyết định cấm tiếp xúc; vi phạm quyết định cấm tiếp xúc; trường hợp tiếp xúc trong thời gian thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc; nơi ở cho người thực hiện quyết định cấm tiếp xúc.

Đề xuất tiêu chuẩn cơ sở cung cấp các dịch vụ trợ giúp

Đặc biệt, dự thảo Nghị định đã đưa ra tiêu chuẩn, điều kiện đối với cơ sở cung cấp nơi tạm lánh hoặc cung cấp dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi. Theo đó, Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình đăng ký cung cấp nơi tạm lánh ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại Điểm a và b Khoản 2 Điều 40 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau: Có địa chỉ cụ thể, có tối thiểu một phòng tạm lánh; Phòng tạm lánh phải có giường, chiếu, chăn, màn, điện thắp sáng, quạt làm mát, vệ sinh khép kín hợp vệ sinh; Có cửa khóa và cửa thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp; Đáp ứng yêu cầu của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; Niêm yết công khai giá phòng, dịch vụ ăn, uống và dịch vụ khác trong trường hợp thu phí dịch vụ người tạm lánh tại cơ sở. Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình đăng ký cung cấp dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại Điểm a và b Khoản 2 Điều 40 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau: Có địa chỉ cụ thể tại một địa điểm cố định; Có diện tích tối thiểu 50m2 đối với địa bàn đô thị và 100m2 đối với địa bàn còn lại; Niêm yết công khai giá dịch vụ bao gồm giá tư vấn, trong trường hợp thu phí dịch vụ người đến cơ sở.

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Bộ VHTTDL cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tại Việt Nam cho cơ sở do tổ chức quốc tế thành lập để cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình đặt trụ sở chính tại Việt Nam; Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình trong các trường hợp sau: Cơ sở do tổ chức, cá nhân là người nước ngoài đăng ký thành lập không thuộc phạm vi quy định tại Khoản 1 Điều này; Cơ sở do cơ quan, tổ chức, cá nhân là người Việt Nam đăng ký thành lập có trụ sở chính đặt tại tỉnh.

Trình tự thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc theo đề nghị cũng được nêu rất cụ thể: Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ, người đại diện theo pháp luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 25 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo một trong các hình thức quy định tại Điều 13 Nghị định này. Chủ tịch UBND cấp xã khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc phải tổ chức ngay việc xác minh thông tin để ra quyết định; thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ người bị BLGĐ trong quá trình xác minh thông tin. 

HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc